Ấn tượng Tây Nguyên

[acf_views view-id="312" name="Bài dự thi"]

Mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, nhưng mẹ thiên nhiên cũng vì thế mà ban tặng cho vùng cao nguyên rất nhiều điều thật tuyệt vời.

Sau 3 năm gián đoạn vì dịch Covid, mơ ước ấp ủ về những chuyến đi du lịch khám phá các miền đất trên mọi miền Tổ quốc đã thôi thúc bản thân tìm cơ hội để trải nghiệm. Ấy vậy mà chuẩn bị đi lại bị cảm, ho hắng và sụt xịt. Cơ mà vẫn quyết tâm uống thuốc, mang theo một tuýp Napha Multi tăng sức đề kháng và không quên lọ thuốc ho Bổ phế Nam Hà, chuẩn bị trang phục cùng đồng bọn lên đường.

Và Tây Nguyên với hành trình “Lăk-Kon-Ku” là trải nghiệm thú vị đầu tiên được lựa chọn của nhóm chúng tôi. Mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, nhưng mẹ thiên nhiên cũng vì thế mà ban tặng cho vùng cao nguyên rất nhiều điều thật tuyệt vời.

Đầu tiên là chất hào sảng có trong từng con người, bản tính phóng khoáng ấm áp, như núi rừng đại ngàn vậy. Tiếp đó là nhiều danh lam thắng cảnh vừa hùng vĩ vừa bao la. Sản vật thì trù phú. Tất cả hòa quyện để tạo nên văn hóa Tây Nguyên rất riêng và không nơi nào sánh được…

Xuống sân bay, điểm đến đầu tiên chúng tôi đến là huyện Lăk – thuộc tỉnh Đăk Lăk. Ở đó có núi đá voi Yang Tao nằm trên địa bàn xã Yang Tao, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột khoảng 40 km theo Quốc lộ 27. Đá Voi Yang Tao gồm 1 cặp đá Voi Cha và Voi Mẹ hiện lên sừng sững giữa núi rừng, mang trong mình những truyền thuyết ly kỳ, bí ẩn.

Đến đó chúng tôi được làm quen với chú voi một ngà Y Khăm Sen sinh năm 1992, được người chăm sóc Y Vinh người M’Nong tại Hồ Lăk hướng dẫn tạo dáng chụp ảnh với chú Voi như một stylist chuyên nghiệp.

Dọc đường bao quanh Hồ Lăk bạn có thể tha hồ chụp ảnh checkin với hàng cây Kơ Nia, biểu tượng về sức sống mạnh mẽ của Tây Nguyên đã đi vào thơ ca nhiều thế hệ.

Điểm đến nối tiếp là Chùa Khải Đoan tại TP Buôn Ma Thuột. Đây là ngôi cùa lớn nhất và nổi tiếng ở Tây Nguyên. Cũng là ngôi chùa cuối cùng được phong Sắc tứ ở Việt Nam. Chùa có tên gọi Khải Đoan là ghép từ tên Vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy Hoàng Hậu. Chùa được xây dựng từ năm 1951 với chất liệu chủ yếu là gỗ và đá. Thiết kế cực kỳ đẹp, ấn tượng mang đậm chất cung đình Huế và có nét của đồng bào Ê Đê. Sau này chùa có nhiều lần trùng tu, xây mới thêm các công trình nhưng vẫn giữa nguyên nét đẹp, khang trang và là nơi thu hút khách tham quan, không thể bỏ qua khi các bạn đến với TP Buôn Ma Thuột.

Và đặc biệt, khi đến Buôn Ma Thuột ai cũng có nhu cầu được thưởng thức ly cà phê Ban Mê. Nơi đây là thủ phủ cà phê lớn nhất cả nước. Và không ngoa khi nói rằng, đến Buôn Ma Thuột mà không thưởng thức ly cà phê nguyên chất nơi đây, bạn đã bỏ qua một cơ hội sành điệu hiếm có trong cuộc đời. Được khám phá Bảo tàng Thế giới cà phê, là một người không biết uống như tôi cũng phải cố thử một Ly cà phê Ban Mê xem nó ngon đến mức nào, và kết quả là nó rất tuyệt và phê. Cứ tưởng đêm đó sẽ khó ngủ thế mà buôn chuyện một hồi rồi vưỡn ngủ ngon lành!

Địa điểm tiếp theo được yêu thích và trải nghiệm đó là Quần thể Thác Dray Sap, Dray Nur, cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 35 km, là điểm nối liền giữa 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Chúng tôi mải mê ngắm cảnh và chụp được khá nhiều shoot hình đẹp tại nơi này. Đây là những địa điểm nhất định bạn phải ghé thăm khi đến với vùng cao nguyên đất đỏ Bazan đầy nắng và gió.

Ngày thứ ba, Kontum là hành trình tiếp theo khi chúng tôi đến với Tây Nguyên. Trên đường đi là những cánh rừng cao su bạt ngàn trải dài hút tầm mắt. Bạn tha hồ dừng chân để check-in bất kể nơi nào mà bạn muốn.

Nhà thờ Gỗ Kontum – nhà thờ Công giáo của giáo phận Kontum – là điểm đến quan trọng trong hành trình của chúng tôi. Nhà thờ được làm bằng gỗ cà chít (sến đỏ) thiết kế theo kiến trúc Roman, phối hợp với kiến trúc nhà sàn của người Bana từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng của người Tây Nguyên. Trần tường được xây bằng đất trộn rơm theo kiểu nhà truyền thống của miền Trung. Trên tường rơm là những bức tranh rực rỡ về Chúa và Đức Mẹ.

Rời thành phố Kontum, di chuyển thêm hơn 50 km về phía Đông Bắc là Khu du lịch sinh thái Măng Đen, được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2. Đến nơi đây, chúng tôi được chiêm bái tượng Đức Mẹ Fatima, là một di tích, điểm hành hương Công giáo của Giáo phận Kontum, tọa lạc tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Giữa khung cảnh rừng núi mênh mông, thâm u, xung quanh rất nhiều hoa và những dãy ghế đá, với những tấm biển “Tạ ơn Đức Mẹ” được những người Giáo dân mang đến, bức tượng hiện lên với đầy vẻ linh thiêng, huyền bí.

Có thể nói, Tây Nguyên đẹp trong cảnh sắc, đẹp ở thời tiết và đẹp ở tình người. Và Gia Lai là điểm đến thơ mộng chốt lại trong hành trình Tây Nguyên của nhóm chúng tôi.

Nếu vào tháng 2, 3 đến đây bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tuyệt vời của hoa cà phê nở trắng muốt. Có thể bạn sẽ không cản được niềm thích thú khi lao ngay đến để chụp ảnh với hoa, tuy nhiên phải thật cẩn thận vì có rất nhiều chú ong cũng đang hút mật tại đây. Không muốn béo lên một vùng nào đó thì bạn phải tinh mắt tránh xa chúng ra.

Đặc biệt, trên cung đường dẫn tới Biển Hồ Chè, được bảo quanh bởi 2 hàng thông có tuổi đời hơn 100 năm đẹp tựa Hàn Quốc, là tọa độ check-in quen thuộc của hội mê chụp ảnh. Cái nhóm “ăn chơi có tổ chức” bọn tôi đã không bỏ lỡ buổi sáng nắng đẹp chan hòa để lưu lại những shoot hình đẹp với khoảng 2 giờ tạo dáng nhí nhố các kiểu mà không nỡ rời đi…

Vì nằm trên cao nguyên nên không khí tại đây lúc nào cũng trong lành và thời tiết cực kỳ dễ chịu. Với diện tích mặt nước lên đến 230 ha, Biển Hồ Pleiku (T’rưng) đẹp như một bức tranh thủy mặc với làn nước xanh ngắt mang lại cảm giác cực kỳ mát mẻ, dù thời tiết Gia Lai vốn oi nồng. Nơi này còn được xem là “lá phổi xanh” hay “đôi mắt Pleiku”. Điều thú vị nhất là một dải đất hẹp chạy dọc lòng hồ tạo thành một điểm ngắm cảnh lý tưởng cho những ai đến đây. Thiên nhiên tại đây mùa nào cũng đẹp theo cách riêng nên lúc nào cũng đông khách du lịch.

À, còn món ăn nữa chứ nhỉ? Bạn sẽ cảm thấy thật xuýt xoa trước những món ăn ngon đậm chất cao nguyên, món gà nướng mới tuyệt vời làm sao. Gà được nướng trên than hồng cho chín đều vàng ruộm. Khi ăn chấm cùng muối sả ớt, rau rừng xanh và lá é giã nát, chậc chậc, cứ gọi là nước miếng chảy không ngừng… Món lẩu lá rau rừng cũng là một món quà đặc biệt mà núi rừng Tây nguyên ban tặng cho con người nơi đây. Mỗi loại rau rừng đều có tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Khi ăn lẩu lá rau rừng, tuyệt nhất là dùng nem thính thơm ngon cuốn vào lá rừng và chấm mắm thịt…

Một xứ sở, đẹp từ cảnh tới người và nhiều món ăn ngon như vậy, làm sao bạn không thể không yêu. Hãy đến với Tây Nguyên để cảm nhận năng lượng hào sảng được lan tỏa từ con người Tây Nguyên phóng khoáng, rừng đại ngàn xanh mát. Ào ạt, hối hả như những thác ghềnh cuồn cuộn trên dòng Serepok, đậm đà say men như ly cà phê và rượu cần Tây Nguyên…

Tin tôi đi, với 5 ngày phơi nắng gió tại đây, ai cũng sẽ thấy rất khỏe. Có thể đi bộ nhiều chút mà không hề mỏi chân đâu nhé!

Việt Nam có rất nhiều miền đất rất tuyệt vời đáng để trải nghiệm, cứ vùi mình vào công việc thì thật có lỗi với bản thân, vì thế còn chần chừ gì nữa, hãy xách ba lô lên đường ngay thôi các bạn!

BỔ PHẾ NAM HÀ – THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị đồng hành tổ chức cuộc thi “Check in cùng Bổ Phế Nam Hà – Xoa dịu cơn ho, tự do khám phá”

Bổ Phế Nam Hà là thuốc ho thảo dược được tin dùng bởi nhiều thế hệ gia đình, từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc chăm sóc sức khỏe hô hấp người Việt.

Công dụng: Điều trị hiệu quả các trường hợp ho do cảm mạo, ho gió, ho khan, ho có đờm, ho do dị ứng thời tiết, ho lâu ngày không khỏi, đau rát họng, khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.

Nhà sản xuất: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM NAM HÀ

415 Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Số XNQC: 1e/2023/XNQC/YDCT; 3e/2023/XNQC/YDCT; 4e/2023/XNQC/YDCT

Liên hệ tới tổng đài 1800 1155 (miễn cước) hoặc truy cập vào website: https://bophenamha.vn/ nếu cần hỗ trợ thêm thông tin chi tiết về bộ sản phẩm Bổ phế Nam Hà.