Đó là những vần thơ đẹp như trong tranh trong bài chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp nói về chốn tiên cảnh của núi rừng Hương Sơn và con “sông trăng hay sông lụa” (sông Đáy) uốn quanh.
Đến hẹn lại lên, cứ dịp đầu Xuân tôi lại cùng gia đình đi trẩy hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Dẫu gần đây có rất nhiều ngôi chùa lớn xuất hiện, nhưng với tôi thì chùa Hương vẫn là nơi thích hợp nhất để Phật tử và du khách thập phương ghé thăm vào mùa xuân.

Đò đi qua bến Đục, mọi người ngắm nhìn em, thẹn thùng em không nói/Tuổi bây giờ mới tròn mười lăm/Em còn bé lắm ôi mấy anh kia ơi! Đúng vậy. Để di chuyển vào quần thể di tích chùa Hương du khách đều “phải” đi đò từ bến Đục, xuôi dòng suối Yến khoảng 4km, đây là con đường duy nhất để vào chùa Hương. Điều đó vô hình chúng giúp cảnh chùa không quá ồn ào, bớt mùi xăng xe mà chỉ có những tiếng chân khe khẽ của khách hành hương về chốn Phật.
Trên dòng suối Yến mộng mơ, tôi ngắm nhìn khung cảnh núi non hai bên cứ sừng sừng mà hiên ngang. Nào núi Voi Phục, núi Đổi Chèo, hang sơn thủy hữu tình… đều là món quà của tạo hóa đã nặn ra tại chùa Hương. Dòng suối Yến những năm về trước, hai bên bờ còn xanh ngát màu lúa, óng vàng hạt thóc chín thì nay đã nhường chỗ cho hoa súng tím rực trời với những đàn cò rủng rỉnh đi kiếm cá.

Khoảng 40 phút lướt trên mặt suối nhẹ nhàng, tôi đã đến chùa Thiên Trù, ngôi chùa cổ nhất ở chùa Hương. Nhìn từ bến thuyền về con suối Yến cứ dài sâu hun hút giữa hai dãy núi trùng trùng điệp điệp, thế mới biết rằng người xưa đã mất nhiều công sức như thế nào để xây dựng được những ngôi chùa thâm sâu vách núi.
Đoàn chúng tôi rất đông, gần 40 người già trẻ gái trai đều có cả. Vì vậy, mẹ tôi thường giao cho mỗi người một nhiệm vụ chuẩn bị đồ đạc từ trước. Mẹ tôi sẽ lo phần lễ gồm xôi gà, hoa quả lễ, hương nến còn bố tôi chuẩn bị sớ để lễ. Tôi và mấy anh trai chuẩn bị hoa quả, các thùng nước, một vài “chiếc gậy Trường Sơn” để mấy bác cao tuổi leo núi.

Tuy giờ chùa Hương đã có dịch vụ cáp treo để đi lên động Hương Tích – động đẹp nhất trời Nam nhưng cả đoàn tôi vẫn chọn leo núi, vì leo núi mới giống cảm giác chinh phục và thử thách độ dẻo dai của đôi chân. Và, nếu để đi chùa Hương trọn vẹn trong ngày thì bạn nên leo núi, nếu đi cáp treo có lẽ bạn sẽ về sớm hơn dự định khá nhiều.
Không khí trong núi rừng Hương Sơn trong lành và mát mẻ hơn so với bên ngoài. Cái mát lạnh từ núi đá tỏa ra, sự trong lành từ những “lá phổi xanh” và những cơn gió mát từ dòng suối thổi vào càng tạo thêm sức mạnh cho đôi chân leo núi. Động Hương Tích chỉ nằm cao khoảng 900 mét so với mực nước biển nên người có sức khỏe bình thường hoàn toàn có thể leo lên được.

Hai bên đường, tôi được ngắm nhìn và “nếm thử” một số sản vật của chùa Hương như bánh củ mài, canh rau sắng, củ mã thầy,… với giá rất bình dân. Cảnh dòng người tấp nập lên xuống, thành tâm bái Phật, nét mặt khoan thai, an lạc cứ làm trong lòng tôi an nhiên, tĩnh tâm đến lạ thường, kết hợp với đó là tiếng tụng kinh A-di-đà vang khắp chốn non sơn cứ thủ thỉ bên tai. Nhớ khi xưa những bậc chân tu đã vất vả như thế nào mới leo được lên đỉnh núi và tìm ra động Hương Tích thì việc chúng tôi leo núi có bậc như ngày nay đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Đi đến từng ngôi chùa như chùa Hinh Bồng, chùa Giải Oan, chùa Thanh Sơn,… đoàn đều vào lễ Phật và được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm của các ngôi chùa, ngẫm nghiền bảng thông tin di tích như gặm nhấm một phần lịch sử. Mỗi ngôi chùa ta bước đến là một bài học ghi tạc trong đời, răn ta phải luôn tu dưỡng đạo đức, sống thiện để gặp điềm lành.

Sau hành trình hơn một giờ đồng hồ leo núi, mải miết mồ hôi và cảm xúc vỡ òa trong nắng trưa khi trước mặt là động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Dân gian ví động Hương Tích như miệng rồng còn đụn Gạo ở giữa miệng rồng là lưỡi, cũng có tích gọi là miệng rồng ngậm ngọc. Điều đó thể hiện trí tưởng tượng liên kết giữa đời sống và thế giới tâm linh phong phú của người Việt Nam, để từ đó ta càng có thêm niềm tin và sự màu nhiệm trong cuộc sống.
Đến động, đoàn tiếp tục vào lễ Phật trong dòng người chật cứng. Bạn không nên vì sự đông đúc mà thấy ngột ngạt, vì dĩ nhiên có linh thiêng thì mới đông, đó cũng là sự thử thách độ nhẫn nại của bạn. Lễ Phật xong, đoàn chúng tôi được tự do đi khám phá động, ngắm nhìn các măng đá, nhũ đá kỳ ảo như trên ảnh 3D. Không hiểu có phép màu nào đã tạo ra những nhũ đá muôn hình muôn vẻ đẹp như mái tóc người phụ nữ, sừng sững như cây cột trụ trời hay vạm vỡ như núi cô, núi cậu, bầu sữa mẹ…

Theo một số người dân bản địa, những hôm nhiều mây, mây bồng bềnh còn sà xuống miệng động Hương Tích, tạo nên một khung cảnh như chốn Tây phương Cực lạc hay để dễ tưởng tượng hơn thì giống chốn Niết Bàn trong phim Tây Du Ký khi Tôn Ngộ Không đến chùa Bát Âm của Phật Tổ.
Thời đại 4.0, chúng tôi ai nấy đều mang điện thoại và kết nối 4G, kể cả các bác tôi đã cao tuổi. Họ nhanh chóng check-in những tấm hình trong động “Nam thiên đệ nhất động” để đăng lên facebook.
Trong quang cảnh thanh tịnh của động Hương Tích, bỗng nhiên tôi nhớ đến những câu thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương trong bài thơ vịnh động Hương Tích:
Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom
Người quen cõi Phật quen chân xọc
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót
Con thuyền vô trạo cúi lom khom
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại
Rõ khéo Trời già đến dở dom.
Ước gì tôi cũng có thể làm một bài thơ thật hay về động Hương Tích để lưu giữ lại cảm xúc về chốn Phật như nhiều thi sĩ khác. Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất của động Hương Tích so với những động khác chính là tạo nên cảm giác an lạc để khơi gợi nên những vần thơ đậm chất thiền của thi sĩ. Bởi vì hiện nay, có rất nhiều động kỳ vĩ được phát hiện nhưng danh xưng Nam thiên đệ nhất động của Hương Tích chưa bao giờ bị lung lay.

Chiều đến, từng đàn chim nhỏ bay về tổ cũng là lúc đoàn chúng tôi phải tạm biệt chùa Hương trở về nhà. Chúng tôi đứng trên những bậc thang, giơ máy ảnh lên và chụp thật nhiều cảnh đẹp về động Hương Tích cũng như hít một hơi thật sâu từ làn khói hương thơm nghi ngút, thành tâm của các Phật tử xa gần.
Khi xuống núi, đoàn tôi chọn đi cáp treo để ngắm nhìn núi rừng Hương Sơn từ trên cao. Thật may, đúng mùa hoa gạo trổ bông. Những cây hoa gạo đỏ rực trời lẩn khuất trong miền tâm trí mỗi người con quê và giờ vẫn còn rất nhiều trong chùa Hương. Ai thấy hoa gạo mà trong lòng không xao xuyến, tôi nghĩ chẳng có ai trên đời này đâu.
Chúng tôi đã có một chuyến hành hương tuyệt vời để buông xả bỏ mọi tham sân si, căng thẳng trong cuộc sống. Ngoài chuẩn bị về sức khỏe để leo núi, giầy dép, đồ ăn nước uống thì chuẩn bị về tâm thế là điều tôi thấy quan trọng nhất. Bạn không thể đi lễ chùa với tâm thế lo âu hay thù hận, bạn cũng chẳng thể vì có cảnh đẹp hay không mới đi lễ chùa, vì vậy hãy tu sửa cho mình một tâm hồn thật đẹp và một số kiến thức trước về địa danh mà chuẩn bị đặt chân đến, vì tôi tin như vậy bạn sẽ khám phá được rất nhiều điều bổ ích và sẽ ghi tạc kiến thức, trải nghiệm đó trong tim mình.
Hãy đến với chùa Hương ít nhất một lần trong đời, để bạn thêm yêu đạo Phật, thêm yêu những cảnh sắc tự nhiên của đất nước Việt Nam xinh đẹp, bạn nhé!
BỔ PHẾ NAM HÀ – THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM
Đơn vị đồng hành tổ chức cuộc thi “Check in cùng Bổ Phế Nam Hà – Xoa dịu cơn ho, tự do khám phá”
Bổ Phế Nam Hà là thuốc ho thảo dược được tin dùng bởi nhiều thế hệ gia đình, từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc chăm sóc sức khỏe hô hấp người Việt.
Công dụng: Điều trị hiệu quả các trường hợp ho do cảm mạo, ho gió, ho khan, ho có đờm, ho do dị ứng thời tiết, ho lâu ngày không khỏi, đau rát họng, khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.
Nhà sản xuất: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM NAM HÀ
415 Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Số XNQC: 1e/2023/XNQC/YDCT; 3e/2023/XNQC/YDCT; 4e/2023/XNQC/YDCT
Liên hệ tới tổng đài 1800 1155 (miễn cước) hoặc truy cập vào website: https://bophenamha.vn/ nếu cần hỗ trợ thêm thông tin chi tiết về bộ sản phẩm Bổ phế Nam Hà.