Đến Măng Đen tắm rừng

[acf_views view-id="312" name="Bài dự thi"]

Giữa lúc phân vân chọn một địa điểm du lịch không quá xa Sài Gòn, vẫn còn giữ lại nét hoang sơ bình yên của cảnh vật thiên nhiên, cái tên Măng Đen vô tình hiện ra như một điều tình cờ đầy cơ duyên.

Mang theo đôi chút tò mò lẫn háo hức, chúng tôi đến Măng Đen vào một ngày mùa đông trong tiết trời lạnh giá, có mưa phùn, bỏ lại sau lưng là ngổn ngang công việc, trong lòng mỗi người đều có một chút tâm sự riêng.

Măng Đen là tên một thị trấn cao nguyên thuộc huyện Kon Plong – Kon Tum, cách trung tâm thành phố Kon Tum 60 km. Cái tên Măng Đen có nguồn gốc từ cách đồng bào dân tộc Mơ Nâm gọi tên vùng đất này – T’măng Deeng, nghĩa là vùng đất bằng phẳng rộng lớn. Tuy nhiên, đường đến Măng Đen phải trải qua biết bao khúc cua vòng vèo uốn lượn. Xe xuất phát từ TP.HCM lúc 5 giờ chiều hôm trước, nhưng đến 6 giờ sáng hôm sau tôi mở mắt vẫn thấy mình lạc trôi qua biết bao thị trấn, hai bên đường là rừng thông xanh mướt gợi nhớ đến Đà Lạt. 

Con đường dẫn vào Măng Đen.

Thế nhưng có một điều rất khác mà bạn sẽ không tìm thấy ở Đà Lạt thời điểm này: sự vắng bóng của du khách và sự hoang sơ của cảnh vật. Khu trung tâm Măng Đen rất nhỏ bé và vắng vẻ. Con đường thẳng tắp dẫn lối vào thị trấn Kon Plong hai bên rợp bóng thông xanh trải dài hút tầm mắt. Chúng tôi ngay lập tức phải lòng Măng Đen từ ánh nhìn đầu tiên và rồi dễ dàng bị chinh phục bởi cảnh sắc, những món ngon và bầu không khí tuyệt vời nơi đây.

Chiếc xe khách thả chúng tôi ở Nắng Homestay – một ngôi nhà bình yên nép dưới những tán thông đung đưa trong gió. Chủ của Nắng là cặp vợ chồng trẻ người miền Bắc ôm giấc mơ bỏ phố về rừng và chọn Măng Đen làm nơi ươm mầm ước mơ. Anh chị chủ homestay rất nhiệt tình cho chúng tôi check-in phòng sớm, chuẩn bị sẵn xe máy và những chiếc nón bảo hiểm dễ thương.

Chúng tôi đi chầm chậm theo đường dẫn vào hồ Đak Ke, thác Pa Sỹ. Hai bên đường là những cánh rừng nguyên sinh, những đồi cỏ, vài nông trại cách xa đường và rất ít tạp hóa, quán cafe thì gần như không có. Ở Măng Đen chạy xe mấy km không gặp người, không gặp xe cộ là chuyện bình thường. Thỉnh thoảng một ngôi nhà, một khu nhà lồng, một nông trại nhỏ lọt thỏm giữa đồi cỏ mênh mông bát ngát chạy về phía chân trời xa. 

Thỉnh thoảng, lớp sương mờ tan đi, vài tia nắng kịp lóe lên và chúng tôi ngạc nhiên trầm trồ bởi cảnh vật hiện ra trước mắt: khi là một vài nụ hoa mai anh đào nở sớm, khi là một con đường đất uốn lượn giữa những thung lũng cỏ xanh.

Vẻ đẹp thinh lặng của hồ Đak Ke.

Tôi nghĩ chắc hiếm có thị trấn nào như Măng Đen – thị trấn giữa rừng, nhiều rừng và rừng đẹp như thế. Nó làm tôi liên tưởng đến thuật ngữ “tắm rừng” của người Nhật. Đây là một thuật ngữ được người Nhật sáng tạo ra và thực hành từ lâu: dùng rừng để chữa lành tâm hồn cho những ai đang cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Bằng cách hòa mình vào không gian yên tĩnh, trong lành của thiên nhiên, cây rừng, con suối sẽ lấy đi hết những ưu tư, muộn phiền của bạn. Tắm rừng ở Măng Đen với chúng tôi là tạm để điện thoại sang một bên và đi bộ trên những con đường nhỏ đầy hoa dại.  Việc cần làm là hít một hơi thật sâu để tận hưởng bầu không khí sạch sẽ, thơm mát và đắm mình trong khung cảnh của đất trời: chạm vào những mảng rêu mềm xanh lá cây đang trải thảm trên viên đá hoặc vỏ cây xù xì, thả chân vào dòng thác Pa Sỹ sủi bọt trắng xóa hay lắng nghe tiếng chim chóc từ những tán cây cao. Sự tĩnh lặng xung quanh lan vào tâm trí giúp chúng tôi tạm quên đi sự chuyển động không ngừng của cuộc sống thị thành.

Dạo chơi và “tắm rừng”.

Nếu được phép bình chọn loài hoa đặc trưng của Măng Đen thì có lẽ không hoa nào qua được hoa mua tím. Thế mà cả một thời tuổi thơ tôi vẫn nghĩ đây là hoa sim. Mùa cuối năm, trong cái rét ngọt, chạy xe khắp những con đường ở Măng Đen đều dễ dàng bắt gặp những vạt hoa mua tím mơ màng nở rộ ven đường quốc lộ hay những con đường đất, điểm xuyết một vẻ đẹp lãng mạn.

Sắc hoa mua tím rực rỡ.

Nếu có điều gì làm tôi thích thú nữa ở Măng Đen thì đó chính là những mô hình nông trại kết hợp du lịch, thực hành nông nghiệp. Đó là nơi bạn có thể vào vườn tự tay hái từng quả cam chín mọng, thưởng thức những loại nước uống ngon lành và nếu có thời gian thì hoàn toàn có thể trở thành một thực tập sinh nông nghiệp để học về cách làm vườn. Với tôi, những nông trại như thế vẽ ra khung cảnh yên bình giống y như bối cảnh trong những bộ truyện như Anna tóc đỏ, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên – nó khiến người ta muốn ngồi mãi ở đó chỉ đơn giản là gọi một ly nước ngồi ngắm mây trời, nghe một bản nhạc ngắm ngày nhẹ nhàng trôi. 

Nếu ai đã từng đọc “Đồi gió hú” – một kiệt tác ám ảnh về tình yêu, nỗi cô đơn của tác giả Emily Bronte – hẳn sẽ reo vui khi biết ở Măng Đen cũng có một nông trại mang tên như thế. Nông trại Đồi Gió Hú là một nhà sàn gỗ nằm trên ngọn đồi trống trơn, vì thế mà chỗ này rất lộng gió, đúng như tên gọi. Phía sau Đồi Gió Hú là một ngọn núi cao gần 2.000 m có tên núi Ngọc Lễ, là nơi mà tôi tự nhủ nếu có dịp quay lại thì nhất định sẽ phải chinh phục. 

Nông trại Đồi Gió Hú.

Đến Măng Đen nếu có thời gian, bạn có thể chạy xe hoặc đi bộ vào những bản làng của người đồng bào dân tộc ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang, những nếp nhà đơn sơ, những cây cầu treo… 

Những nếp nhà đồng bào bình yên.

Vì trời lạnh, chúng tôi cũng dành khá nhiều thời gian khám phá các quán café nhỏ xinh ở Măng Đen: Orfarm, La petite, Mộc Lan café. Điểm thú vị của những quán xá này là dù nằm ở khu trung tâm nhưng thực khách vẫn có thể phóng tầm mắt nhìn ra những cánh rừng, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên.

Nếu đến Măng Đen mà không ngồi thật lâu ở những quán café ấm áp nhỏ xinh nhìn ra những cánh rừng khi màn sương chiều ùa về, không hít hà xuýt xoa bên những nồi lẩu cay xè nghi ngút khói thì thật là thiếu sót. Ấn tượng và cũng là bữa ăn đầu tiên của tôi tại Măng Đen là món bánh canh cá lóc. Trời lạnh, mưa phùn khá dày hạt, chúng tôi sà vào quán thì thấy ấm lên hẳn bởi nồi bánh canh nghi ngút khói, nóng hổi nấu trực tiếp từng nồi riêng trên bếp. Mỗi nồi như thế có một miếng cá lóc rất to, sợi bánh có hai loại: bột gạo và bột sắn, loại mềm, loại dai mà cái nào cũng ngon hết. Thả thêm vài cọng rau đắng nhỏ nhỏ, vài quả trứng cút rồi ăn ngay khi nồi bánh canh đang nóng, bao nhiêu vất vả đường xa bỗng tan biến ngay trên đầu lưỡi.

Chúng tôi cũng có dịp thưởng thức món lẩu xuyên tiêu trứ danh vào một buổi tối gió lạnh. Nồi lẩu chia hai ngăn, bên cay bên bình thường. Tôi thuộc loại cũng ăn cay được, mà đụng lẩu xuyên tiêu cũng xuýt xoa liên tục vì độ cay. Nhưng lạ thay, ăn một miếng lại muốn ăn thêm một miếng, rụt rè húp chút nước lẩu rồi lại muốn thử thêm vì vị cay nồng ngấm vào người giúp xua đi cái lạnh. 

Những món ăn hấp dẫn.

Lúc đầu đến Măng Đen thấy mưa giăng và bầu trời u ám, tôi cũng thầm nhủ sao mình xui thế. Nhưng ngẫm lại vẫn cảm thấy mình may mắn khi được nhìn thấy một Măng Đen như bước ra từ nguyên sơ bản thể. Những ngày lạnh lẽo, chúng tôi vẫn không quên nhắc nhau giữ ấm khi chạy xe: quấn khăn quanh cổ, đeo găng tay, mặc áo mưa tránh gió. Buổi tối về homestay ai nấy đều tắm nước ấm, ngâm chân, quây quần bên bếp lửa uống trà gừng nóng. Và hơn thế có lẽ nhờ bầu không khí trong lành, nhờ những món ăn ngon bổ dưỡng và tinh thần đi chơi hết mình mà chúng tôi đã có một chuyến hành trình đáng nhớ, an toàn, khỏe mạnh.

Tôi đã đi qua nhiều nơi nhộn nhịp huyên náo, cả những thị trấn đìu hiu vùng cao, những mùa đông rét buốt ở Đông Bắc, Tây Bắc. Măng Đen cũng như những vùng đất ấy, để lại ấn tượng với tôi và với nhiều khách phương xa bởi chính vẻ chất phác, đơn sơ. Chúng tôi rời Măng Đen trong một ngày trời hửng nắng ấm sau những ngày “tắm rừng” đủ đầy và hạnh phúc, thầm cảm ơn nguồn năng lượng tích cực, bình yên mà mảnh đất này mang lại.

BỔ PHẾ NAM HÀ – THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị đồng hành tổ chức cuộc thi “Check in cùng Bổ Phế Nam Hà – Xoa dịu cơn ho, tự do khám phá”

Bổ Phế Nam Hà là thuốc ho thảo dược được tin dùng bởi nhiều thế hệ gia đình, từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc chăm sóc sức khỏe hô hấp người Việt.

Công dụng: Điều trị hiệu quả các trường hợp ho do cảm mạo, ho gió, ho khan, ho có đờm, ho do dị ứng thời tiết, ho lâu ngày không khỏi, đau rát họng, khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.

Nhà sản xuất: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM NAM HÀ

415 Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Số XNQC: 1e/2023/XNQC/YDCT; 3e/2023/XNQC/YDCT; 4e/2023/XNQC/YDCT

Liên hệ tới tổng đài 1800 1155 (miễn cước) hoặc truy cập vào website: https://bophenamha.vn/ nếu cần hỗ trợ thêm thông tin chi tiết về bộ sản phẩm Bổ phế Nam Hà.