Chúng tôi đã bắt đầu chuyến đi đầy kỷ niệm ấy bằng những tranh luận dữ dội khi cả nhóm lựa chọn 1 vùng đất ở Tây Nguyên làm điểm đến cho hành trình du lịch cùng nhau. Sau này, chúng tôi chọn Gia Lai – Kon Tum bởi một lẽ đơn giản: chúng tôi cần 1 nơi thật khoáng đạt và yên bình để xoa dịu tâm hồn, để được bên nhau như những ngày thơ ấu…

Gia Lai – những ngày cuối năm trời se lạnh vào buổi sớm và chiều tối. Cái lạnh chẳng thấm đâu so với mùa đông của Hà Nội song đủ để những phụ nữ trung niên như chúng tôi phải quàng nhẹ một chiếc khăn, khoác thêm chiếc áo mỏng bên ngoài. Ngày đầu tiên ở thành phố Pleiku; chúng tôi dậy sớm thưởng thức món phở 2 tô cực nổi tiếng bà Hồng trên đường Nguyễn Văn Trỗi rồi nhâm nhi ly cà fe sáng, đủng đỉnh ngắm nhìn phố núi trong sương.
Với những đứa nghiện cafe như tôi thì cafe ở Gia Lai luôn có hương vị riêng: đậm mà thanh. Mùi thơm của những giọt cafe đen đặc, chút đắng ngọt nơi cổ họng khiến tôi lưu luyến. Đã rất lâu rồi, nhóm những đứa học chung cấp 2 ở một ngôi trường nghèo tỉnh lẻ mới có dịp bên nhau. Chẳng vội vã, chúng tôi chờ những giọt cafe rơi nhẹ trong chiếc phin nhỏ, cố hít hà thứ mùi thơm đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên trước khi lên xe bắt đầu hành trình khám phá vùng đất đỏ bazan huyền thoại này.
Còn được gọi bằng cái tên khác: hồ T’nưng, hồ Ea Nueng, hồ Tơ Nueng; Biển Hồ là điểm đến đầu tiên của chúng tôi trên hành trình khám phá Gia Lai. Nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển; diện tích mặt nước lên đến 230ha; theo các nhà khoa học thì Biển Hồ chính là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm trước. Có người nói: Hồ nước rộng lớn này được hình thành từ 3 miệng núi lửa thông với nhau. Dấu tích nham thạch và núi lửa phun trào từ xa xưa đã tạo nên lớp đất đỏ bazan phì nhiêu cùng cảnh quan sinh thái vô cùng đa dạng.
Với chúng tôi; Biển Hồ đẹp như một bức tranh thủy mặc với làn nước xanh ngắt, bao quanh là những hàng thông thẳng tắp, cao vút. Đường xuống hồ trải dài, uốn lượn mềm mại như một dải lụa. Giữa ngút ngàn màu xanh của rừng thông, của núi non, mây trời, Biển Hồ mênh mang, đẹp tựa như đôi mắt người con gái. Cũng vì đê mê “đôi mắt Pleiku Biển Hồ” đấy mà chúng tôi đã dạo chơi suốt buổi sáng ở đây cho đến khi mặt trời lên cao, nắng chiếu thẳng đứng xuyên qua những lớp lá thông dày đặc.

Nằm trên bờ Bắc Biển Hồ; thuộc địa phận huyện Chư Pah, Biển Hồ Chè lại gây ấn tượng mạnh với chúng tôi bởi những nương chè bạt ngàn, xanh tít tắt. Không giống như những đồi chè mà chúng tôi vẫn thấy ở Mộc Châu, Sơn La hay Long Cốc, Phú Thọ; Biển Hồ Chè nằm sát con đường nhỏ chạy dài với 2 hàng thông trăm tuổi. Chẳng biết người dân địa phương gọi đây là con đường gì?
Với chúng tôi; đó là con đường tình yêu- nơi chúng tôi nắm tay cùng nhau dạo bước, nơi chúng tôi ngồi bệt dưới gốc cây, nghe gió thổi mát rượi bên tai, nghe thông reo rì rào trong gió; nghe cả những yêu thương ùa về trong ký ức. Đi qua Biển Hồ Chè, qua những rẫy cafe đang mùa thu hoạch; chúng tôi đến Chư Đăng Ya. Đây là ngọn núi lửa cổ thuộc huyện Chư Păh, cách Pleiku hơn 30km về phía đông bắc.

“Thay vì thuê người địa phương chở bằng xe máy, chúng ta sẽ chinh phục Chư Đăng Ya bằng việc leo bộ” – tôi tưởng ý kiến hồ hởi của mình sẽ bị phản đối. Không ngờ, cả nhóm đồng ý và rất phấn khích. Thế là xốc lại trang phục, gói gọn ba lô; chúng tôi hăm hở băng qua những nương ngô đang mùa thu hoạch, những đám cỏ đuôi chồn cao ngang đầu người, những triền núi cao tưởng chừng như quá sức. Mồ hôi nhễ nhại; vừa đi vừa thở, vừa đi vừa ngắm những vạt hoa dã quỳ rực vàng trong nắng, sau chừng 60 phút, chúng tôi cũng kéo nhau lên được đỉnh núi Chư Đăng Ya.
Một không gian rộng lớn với cảnh sắc thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ khiến chúng tôi như bị mê hoặc. Tôi đã thấy những vạt hoa dã quỳ ở thành phố Đà Lạt, ngắm hoa dã quỳ ở Ba Vì, Hà Nội nhưng chưa từng thấy ở đâu hoa dã quỳ lại nhiều, đẹp và rực rỡ như ở núi lửa Chư Đăng Ya. Người ta bảo đấy là loài hoa dại, có sức sống mãnh liệt. Khắp vùng đất Tây Nguyên này, chỉ cần đủ nắng, đủ gió hoa sẽ mọc khắp nơi, len lỏi vào từng góc phố, ven đường, triền đồi hay thung lũng. Nhưng đến núi lửa Chư Đăng Ya vào những ngày tháng 11, chúng tôi mới được thấy cả một trời hoa với sắc vàng thương nhớ.

Đứng trên đỉnh núi, hít đầy lồng ngực bầu không khí trong lành, bỏ đi những bộn bề lo toan của cuộc sống. Chúng tôi chợt thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhõm hơn bao giờ hết.
Sau khi đi thăm chùa Minh Thành – ngôi chùa được xem là đẹp nhất Pleiku khi kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Nhật Bản và một ít Trung Hoa; thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất Gia Lai; ngày thứ 2, chúng tôi đến với thị trấn Măng Đen của tỉnh Kon Tum. Thuộc thị xã Đăk Long, huyện Kon Plông, Măng Đen cách thành phố Kon Tum khoảng 50km, nằm giữa hai đèo là đèo Măng Đen và đèo Violak. Khi chúng tôi đến nơi, hơn 9h sáng, thị trấn này vẫn được bao phủ bởi một màn sương mù giăng mắc khắp nơi.

Được mệnh danh là “ Đà Lạt thứ 2” song sự tĩnh lặng hiếm thấy của một thị trấn du lịch khiến Măng Đen có chút gì đó huyền bí và hấp dẫn. Bên cạnh khí hậu mát mẻ quanh năm, điểm hấp dẫn của Măng Đen là cánh rừng nguyên sinh bao phủ, đặc biệt là rừng thông tự nhiên với diện tích gần 4.000ha. Nằm lẩn khuất trong rừng thông là hệ thống thác, hồ độc đáo. Chúng tôi đã đi thăm hồ Đăk Ke với làn nước trong xanh thơ mộng, hồ ĐamBri huyền bí, thác Pa Sỹ, thác Lô Ba,…
Tối hôm đó, cả nhóm chúng tôi ngủ lại Kon Bring- một trong bốn ngôi làng du lịch nổi tiếng của huyện Kon – Plong. Chúng tôi say trong hương vị nồng cay của những ché rượu cần, trong âm vang những tiếng cồng chiêng của các nghệ nhân người Xơ Đăng.

Hôm sau, chúng tôi dậy từ 4h sáng để đến khu 37 hộ ở thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành. Đây là điểm săn mây nổi tiếng tại Măng Đen. Vào sáng sớm, mây bao phủ dày đặc giữa những ngọn đồi. Từ khu vực này có thể nhìn ra biển mây ở thung lũng phía dưới và đỉnh núi Ngọc Lễ ở phía xa. Một cảm giác chưa từng có khi chúng tôi ngồi trên thảm cỏ, khoác vai nhau, dựa vào nhau, ngắm nhìn trời đất, chờ đợi khoảnh khắc mặt trời ló rạng sau màn mây. Lúc này, Măng Đen bình yên và tĩnh lặng đến lạ kỳ. Chúng tôi để tâm hồn mình thả trôi giữa cái bao la hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên.
Sau 3 ngày dạo chơi ở Gia Lai – Kon Tum; thứ chúng tôi mang về Hà Nội là những món quà xinh xắn, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Tây Nguyên; là hình ảnh một phố núi mờ sương mang tên Pleiku, là vẻ đẹp u buồn, tĩnh lặng của Măng Đen,… là sự phóng khoáng chân thành của những người dân nơi cao nguyên đại ngàn. Chuyến du lịch ngắn ngủi song đã rửa trôi bao muộn phiền, đánh thức tình yêu và niềm vui sống nơi những người phụ nữ trung niên như chúng tôi.
BỔ PHẾ NAM HÀ – THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM
Đơn vị đồng hành tổ chức cuộc thi “Check in cùng Bổ Phế Nam Hà – Xoa dịu cơn ho, tự do khám phá”
Bổ Phế Nam Hà là thuốc ho thảo dược được tin dùng bởi nhiều thế hệ gia đình, từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc chăm sóc sức khỏe hô hấp người Việt.
Công dụng: Điều trị hiệu quả các trường hợp ho do cảm mạo, ho gió, ho khan, ho có đờm, ho do dị ứng thời tiết, ho lâu ngày không khỏi, đau rát họng, khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.
Nhà sản xuất: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM NAM HÀ
415 Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Số XNQC: 1e/2023/XNQC/YDCT; 3e/2023/XNQC/YDCT; 4e/2023/XNQC/YDCT
Liên hệ tới tổng đài 1800 1155 (miễn cước) hoặc truy cập vào website: https://bophenamha.vn/ nếu cần hỗ trợ thêm thông tin chi tiết về bộ sản phẩm Bổ phế Nam Hà.