Có những chuyến đi từ xa đến gần, từ cánh đồng đến biển xa, qua rừng sâu đến thác nước đầu nguồn vắt vẻo… Từ những nơi tôi đã đi và những nơi ngong ngóng chờ được đến… Mỗi chuyến đi tôi đều háo hức, vui sướng biết bao như một đứa trẻ được ẵm món đồ chơi mà nó kiễng chân chờ mở quà bấy lâu.
Chuyến du lịch gần nhất mà tôi đi là cùng gia đình vào kỳ nghỉ lễ 2/9 năm ngoái, đại gia đình gồm ông ngoại, bố mẹ, các dì và các anh chị em. Chuyến đi xuất phát từ Nam Định tới Ninh Bình chưa tới 50km, đầy ắp tiếng cười hào hứng.

Ninh Bình rất gần, tôi và gia đình cũng đã đến vài lần để ăn thịt dê, thăm Cố Đô, chèo thuyền qua Tam Cốc – Bích Động hay danh thắng Tràng An hùng vĩ kéo dài tít tắp không thấy bờ cuối. Đi nhiều lần nhưng chưa lần nào tôi thấy đủ. Đến nay các cụ vẫn thường gọi ba tỉnh Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình là Hà Nam Ninh, Ninh Bình cũng coi như quê hương gần gũi với tôi vậy.
Lần này chúng tôi hẹn nhau đến Thung Nham ngắm chim cò lau sậy, hôm sau lên rừng Cúc Phương. Qua sông vượt núi, động vật chân đốt rất nhiều nên từ đầu chuyến đi cả nhà đều chuẩn bị sẵn thuốc dự phòng và dầu xoa bóp. Nói thật là mùi dầu ngải rất dễ chịu và xua bớt muỗi được phần nào.

Thung Nham là quần thể núi rừng thơ mộng cùng các hang động, sông nước bao quanh, địa hình chằng chịt và hoang sơ. Thời gian có hạn và để giữ sức khỏe cho ông, chúng tôi lên đò vào hang Bụt và vòng quanh vườn chim rộng lớn.
Nói thật là hang Bụt khá nhỏ hẹp, khúc sông ngắn, không được hùng vĩ và bao la như Tràng An, nơi hai bên bờ bạt ngàn sóng lúa. Nhưng thiên nhiên thần kỳ đã khắc họa ngài Bụt thân thiện ở nơi đây, ngài ngồi khoanh và nhìn hang nhũ lấp lánh, sóng nước long lanh. Chúng tôi chắp tay chào và vui vẻ đảo thuyền quay về.

Trời ngả chiều hôm và chúng tôi bước lên đò ra vườn chim. Núi rừng xanh xanh, nước sông thanh thanh và bầu trời trong vắt, tay tôi lướt nhanh trên làn sóng gợn, cô lái đò thoăn thoắt chèo lái và tủm tỉm cười kể những mẩu chuyện nhỏ về con cò, cái vạc, sáo đá, chích chòe…
Mặt trời đỏ hỏn dần khuất vào núi rừng, cũng là lúc đàn chim bạt ngàn òa về tổ. Xao xác, xào xạc, lảnh lót và réo rắt, cả đàn nghiêng cánh vụt qua trên đầu chúng tôi và ríu rít với đồng bạn những tiếng trời. Đôi mắt của tôi không kịp nhìn, tai của tôi không kịp nghe, và tay của tôi vội vàng bật máy ghi hình.

Vẻ đẹp trời ban ấy ùa vào trái tim tôi, màu vàng cam rạng rỡ hắt hiu trên cánh đồng lau sậy, trên những cánh chim trắng muốt phau phau của sứ giả nhà trời. Gió thổi hiu hiu, sóng vỗ mạn đò, tiếng ca tiếng cười của du khách hòa nhịp với thiên nhiên lồng lộng.
Cô lái đò cười khanh khách bảo rằng: mùa này bắt đầu sinh sản, các loài chim bắt đầu về làm tổ. Chúng tôi rướn cổ lên nhìn hai bên bờ, chỗ này là nơi chim sáo, chỗ kia là của đám cò, vạc…
Thiên nhiên hoang sơ hừng hực sức sống. Mùa của sinh sản, mùa của sự sống.

Hôm sau, chúng tôi lên đường lên rừng Cúc Phương. Cánh rừng rộng bạt ngàn hơn 200km2, chúng tôi lái xe đi rất lâu từ thành phố Ninh Bình đến Nho Quan, lại từ cổng chào vào trung tâm cánh rừng. Đường vào đổ bê tông cho hai làn xe chạy, hẹp và heo hút, xao xác tiếng gió vỗ vào cánh rừng hai bên đường.
Tôi mở cửa kính ô tô, xe lướt băng băng và gió thổi bay mái tóc. Hít một hơi thật sâu lắng nghe hơi thở của đất trời và tiếng nhạc rì rào của những nghệ sĩ xanh mướt đang vẫy chào những con dân sắt thép đến thăm thú. Không ai lên tiếng nói chuyện, lắng nghe rừng hát ru, che nắng hắt và nhờ gió gửi tới những giấc mộng mơ màng. Chỉ chợp mắt một lúc, chúng tôi đã bước vào trung tâm rừng.
Chúng tôi bước lên bậc đá, hít thở đều, chậm rãi tìm đường lên Cây Chò ngàn năm. Đường lên núi chật hẹp, mốc rêu, trơn trượt và ít người. Cả chuyến đi là cách chúng tôi vượt sức với mẹ thiên nhiên. Leo mãi, leo mãi, cuối cùng cũng đến mục đích. Từ xa, cây Chò to lớn cao vút tầng mây, hai nhánh cây khổng lồ sừng sững.

Chúng tôi thấy lấp ló đoàn người đang đứng cạnh đó, nhỏ xíu như đàn kiến. Bước nhanh đến cạnh cây, chúng tôi sững người vỡ òa. Cây Chò đã mục rỗng và chết đi từ lâu. Nó đã ngàn tuổi, và mãi mãi ngàn tuổi. Chúng tôi ngước đầu nhìn mãi mới thấy thấp thoáng cành lá trên đỉnh đầu. Thân cây chừng mấy chục người ôm đã mục rỗng và bở ra, chúng tôi không dám lại gần quá. Bên dưới cây Chò là chi chít những mầm non nhỏ xinh. Thừ người một lúc, mọi người nghỉ ngơi, chụp ảnh rồi dắt tay nhau ra về. Có lẽ chờ mấy chục năm nữa, khi cây Chò hoàn toàn mục nát, đám chồi non kia cũng đã vươn mình cao tít tắp dưới ánh mặt trời lấp lóa.
Chuyến đi hai ngày ngắn ngủi nhưng không chóng vánh. Sống và chết. Sinh sản và hi sinh. Cảm xúc trong tôi trào dâng, bâng khuâng khó tả. Mẹ thiên nhiên luôn đứng đó, mỉm cười và dạy chúng tôi những lẽ sống của tự nhiên.
BỔ PHẾ NAM HÀ – THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM
Đơn vị đồng hành tổ chức cuộc thi “Check in cùng Bổ Phế Nam Hà – Xoa dịu cơn ho, tự do khám phá”
Bổ Phế Nam Hà là thuốc ho thảo dược được tin dùng bởi nhiều thế hệ gia đình, từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc chăm sóc sức khỏe hô hấp người Việt.
Công dụng: Điều trị hiệu quả các trường hợp ho do cảm mạo, ho gió, ho khan, ho có đờm, ho do dị ứng thời tiết, ho lâu ngày không khỏi, đau rát họng, khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.
Nhà sản xuất: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM NAM HÀ
415 Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Số XNQC: 1e/2023/XNQC/YDCT; 3e/2023/XNQC/YDCT; 4e/2023/XNQC/YDCT
Liên hệ tới tổng đài 1800 1155 (miễn cước) hoặc truy cập vào website: https://bophenamha.vn/ nếu cần hỗ trợ thêm thông tin chi tiết về bộ sản phẩm Bổ phế Nam Hà.