Về Hà Nội cùng ký ức tuổi thơ

[acf_views view-id="312" name="Bài dự thi"]

Lần đầu tiên tôi được đặt chân đến Hà Nội là năm mười một tuổi. Đó thực sự là một chuyến đi đáng nhớ vì là lần đầu tiên tôi được đi xa và biết đến những điều mới lạ ngoài khuôn khổ cái làng quê nhỏ bé của mình.

Đối với lứa tuổi chúng tôi ngày đó, Hà Nội cũng giống như một “vầng sáng lung linh” như khung cảnh đợi tàu của “Hai đứa trẻ” mà nhà văn Thạch Lam đã miêu tả trong truyện ngắn cùng tên. Bởi đến được Hà Nội không phải chuyện quá dễ dàng trong điều kiện tàu xe cũng như kinh tế của những gia đình sinh sống ở tỉnh lẻ lúc bấy giờ.

Lần đầu tiên tôi được đặt chân đến Hà Nội là năm mười một tuổi. Đó thực sự là một chuyến đi đáng nhớ vì là lần đầu tiên tôi được đi xa và biết đến những điều mới lạ ngoài khuôn khổ cái làng quê nhỏ bé của mình. Đáng nhớ vì đó là chuyến du lịch đầu tiên và cũng duy nhất tôi được đi cùng với bố.

Hôm đó là một ngày mùa đông xứ Bắc với thời tiết vô cùng đỏng đảnh, đêm thì lạnh mà ban ngày có lúc nóng gần như mùa hè. Tôi mặc một chiếc áo len cổ lọ khá dày cùng áo khoác nhẹ ở bên ngoài, leo lên sau xe đạp để bố chở đến cơ quan, nơi có đoàn du lịch đang chờ.

Với trang phục quá ấm áp như vậy, lúc sáng sớm thì ổn nhưng đến gần trưa, khi mặt trời lên, nhiệt độ tăng cao thì tôi cảm thấy vô cùng nóng bức và khó chịu. Tôi cũng không hiểu tại sao khi đó bố không đi mua cho tôi một cái áo khác. Chắc có lẽ bố là đàn ông nên hơi vô tâm hoặc vụng về không linh hoạt trong những chuyện như vậy. Cũng có thể thời điểm đó (năm 1986), việc mua bán không quá dễ dàng như bây giờ.

Mặc dù vậy, chuyến đi đối với tôi vẫn vô cùng tuyệt vời. Khi cả đoàn đi vào lăng viếng Bác. Máy điều hoà nhiệt độ ở trong đó tỏa ra hơi mát khiến tôi cứ muốn đi thật chậm để tận hưởng thật lâu cái cảm giác dễ chịu ấy. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến máy lạnh.

Sau một lượt đi thăm ao cá Bác Hồ, thăm chùa Một Cột, thăm bảo tàng lịch sử rồi được trèo lên cột cờ Hà Nội, nơi cao nhất của thành phố, tôi dường như đã quên mất cái nóng vì mải háo hức với những điều mới mẻ mà lần đầu mình được thấy.

Đầu giờ chiều, đoàn đến công viên Thủ Lệ, hay còn được gọi là Vườn Bách Thú, và thực sự đó là một thế giới vô cùng kỳ lạ đối với tôi. Trong đó còn có cả một ngôi đền gọi là đền Voi Phục, một trong những “Thăng Long tứ trấn” của chốn kinh kỳ. Công viên này là một điểm đến gần như mặc định của bất cứ một đoàn du khách nào đến tham quan Thủ đô.

Vườn thú thì tất nhiên thứ thu hút du khách chính là nhờ những loài vật được nuôi dưỡng tại đây. Này là những chú khỉ, lúc nào cũng nhảy nhót và nghịch ngợm như những đứa trẻ hiếu động. Kia là đám công đang xoè những chiếc lông đuôi sặc sỡ như một chiếc quạt giấy khổng lồ nhiều màu sắc. Rồi thì đà điểu, hổ, sư tử cùng đủ loại chim muông. Đây đó còn có cả những cái hồ nho nhỏ nuôi cá sấu, hà mã và một số loài sinh vật dưới nước nữa mà đến nay tôi không còn nhớ rõ tên chúng là gì.

Tôi vô cùng ấn tượng với những con voi, có lẽ do ít nhiều ảnh hưởng khi đã đọc truyện ngắn “Con voi ở công viên Thủ Lệ” của nhà văn Ngô Văn Phú. Và lúc này tôi mặc nhiên coi lũ voi ở đây là “A Khâm” với tình cảm vô cùng trìu mến. Bọn chúng thật dễ thương, to lớn nhưng hiền lành. Mỗi lúc chúng huơ huơ cái vòi lên để đón những mớ rau củ mà người ta mang đến thì lũ trẻ lại cười reo vang, vô cùng thích thú…

Sau chuyến đi Hà Nội ấy, tôi về ốm một trận, nằm bẹp mấy ngày liền. Có lẽ do tôi mặc áo quá nóng, chảy nhiều mồ hôi nên thấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh. Nghe mẹ mắng vì đã không để ý chăm sóc tốt cho con gái trong chuyến đi, bố chỉ cười trừ, còn tôi thì tuy mệt nhưng vẫn gắng nói: “con không sao đâu”. Có lẽ tôi sợ vì lý do này mà tôi sẽ không được cho đi chơi nữa.

Sau đó vài ba năm, bố tôi đã đột ngột đi xa do một tai nạn và đúng là tôi mãi mãi không bao giờ còn có cơ hội đi du lịch với bố thêm một lần nào nữa.

Lần thứ hai, tôi đến Hà Nội khi đã bước vào tuổi trưởng thành với cương vị là một người phụ trách đội thiếu niên đưa các bạn nhỏ đi tham quan. Rút kinh nghiệm từ bản thân, tôi luôn dặn các em phải chuẩn bị hành tranh cho chu đáo. Ví dụ như nên đem theo các loại củ quả như gừng, chanh hay vỏ bưởi để chống say tàu xe, đem dầu gió để phòng cảm lạnh, đồ ăn vặt cho đỡ đói cùng một số loại thuốc thông thường. Đặc biệt tôi nhắc các em nên mang quần áo theo kiểu “củ hành”, nghĩa là mặc nhiều lớp để đủ ấm nhưng có thể tùy cơ ứng biến, nếu thời tiết thay đổi thì cởi dần lớp ngoài cho mát mẻ mà không cần phải tìm chỗ thay đồ.

Rồi Hà Nội đã trở thành “nhà”, thành quê hương thứ hai khi tôi quyết định lập nghiệp ở đây. Sau hơn một phần tư thế kỷ, nơi này cũng để lại trong tôi nhiều nghĩa tình gắn bó.

Ngôi nhà mà gia đình tôi ở cách vườn thú Hà Nội chưa đầy một cây số. Mỗi cuối tuần hay dịp nghỉ hè, gia đình tôi hay chọn đó là nơi để thay đổi không khí và chính cái thế giới như trong truyện cổ tích ấy đã lấp đầy ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của các con tôi.

Hà Nội bây giờ có quá nhiều những chốn vui chơi được đầu tư bài bản và hiện đại, những địa điểm xưa cũ như công viên Thủ Lệ có vẻ ít được các bạn trẻ lựa chọn. Nhưng theo tôi, đó vẫn là nơi nên đến nếu du khách về tham quan Thủ đô.

BỔ PHẾ NAM HÀ – THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị đồng hành tổ chức cuộc thi “Check in cùng Bổ Phế Nam Hà – Xoa dịu cơn ho, tự do khám phá”

Bổ Phế Nam Hà là thuốc ho thảo dược được tin dùng bởi nhiều thế hệ gia đình, từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc chăm sóc sức khỏe hô hấp người Việt.

Công dụng: Điều trị hiệu quả các trường hợp ho do cảm mạo, ho gió, ho khan, ho có đờm, ho do dị ứng thời tiết, ho lâu ngày không khỏi, đau rát họng, khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.

Nhà sản xuất: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM NAM HÀ

415 Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Số XNQC: 1e/2023/XNQC/YDCT; 3e/2023/XNQC/YDCT; 4e/2023/XNQC/YDCT

Liên hệ tới tổng đài 1800 1155 (miễn cước) hoặc truy cập vào website: https://bophenamha.vn/ nếu cần hỗ trợ thêm thông tin chi tiết về bộ sản phẩm Bổ phế Nam Hà.